TÁO T05

​​​​​

Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây táo dựa trên kết quả nghiên cứu dự án: Ứng dụng khoa học công nghệ trồng một số giống cây ăn quả năng suất chất lượng cao tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng do Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng chủ trì thực hiện từ năm 2014 đến năm 2015.

 

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY TÁO

Quy trình thực hiện

1. Thời vụ

   Trồng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau song tốt nhất là vào tháng 2, tháng 3 (dịp tết lập xuân). Các tỉnh phía Nam trồng vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 8).

2. Chọn đất trồng

   Táo là cây dễ tính ít đòi hỏi về điều kiện đất đai so với các cây trồng khác, nhưng tốt nhất là trồng Táo Đại ở đất phù sa, giữ ẩm. giàu mùn, dinh dưỡng, dễ tưới, tiêu nước.

3. Các yêu cầu kỹ thuật khác

   Giống Đại táo 15 nói riêng và các giống táo nói chung yêu cầu ánh sáng trực xạ lớn vì vậy không nên trồng dưới tán những cây khác.

+  Khoảng cách mật độ.

   Khoảng cách trồng táo (hàng x cây) = (5 x 4-5)m (400 - 600 cây/ha). Để có sản lượng cao từ những năm đầu, có thể trồng mật độ tăng gấp đôi so với khoảng cách (hàng x cây) = (5 x 2,5) (800 cây/ha) đến năm thứ 3 (khi tán cây giao nhau) khử bỏ cây ở hàng giữa để đảm bảo mật độ (hàng x cây) = (5 x 5 m).

   Cứ 2 - 3 hàng táo nên đào một rãnh nước (rộng 50cm sâu 40-50cm) để tưới và tiêu nước.

+ Trồng cây

   Thường trồng táo theo hốc, hố: Đào hố rộng 60-70cm, sâu 60-70cm. Bón lót 30-50 kg phân chuồng hoai mục, 1,5-2 kg lân supe (hoặc phân hữu cơ vi sinh)/hốc, đảo đều phân với đất bột cho kỹ. Sau đó đặt cây vào trồng, trồng ngập gốc cách mắt ghép khoảng 10 cm. Trồng xong dậm chặt xung quanh gốc.

+ Chăm sóc

   Giai đoạn sau trồng thường xuyên phải tưới giữ ẩm cho cây nhanh bén rễ ra chồi lộc.

   Lưu ý: Kịp thời loại bỏ những chồi dại (những chồi không mọc từ cành ghép).

   * Bón phân: Táo ở tuổi 1,2: mỗi ha/năm bón 300 - 400kg urê + 200-300kg kalicloarua + 300kg lân supe (hoặc lân hữu cơ vi sinh). Từ năm thứ 3 trở đi mỗi ha táo cần bón 450 - 500 kg urê + 300 - 350 kg kaliclorua + 500kg lân supe (hoặc lân hữu cơ vi sinh)/năm.

   + Lần 1: Sau trồng 1 tháng (hoặc ngay sau khi đốn táo) xới toàn bộ xung quanh gốc và bón thúc 30-50 kg phân chuồng hoai mục + 1/3 lượng phân hóa học nói trên (riêng lân bón lót ngay lần 1) chia đều cho số cây/ha (600-800 cây/ha).

   + Lần 2: Trước khi cây ra hoa rộ bón 1/3 lượng phân (đạm+kali) chia đều cho số cây/ha.

   + Lần 3: Khi cây đã vừa vào quả đẫy (sau lần 2: 70-85 ngày) bón nốt số phân còn lại. Nếu gặp hạn phải tưới nước để cây sinh trưởng và phát triển tốt, quả lớn nhanh, không bị héo rụng. Ở giai đoạn này có thể bổ sung thêm chất dinh dưỡng qua lá: Dùng Master grow hoặc Grow 3 lá xanh để phun (theo hướng dẫn ở bao bì).

   * Sử dụng chất điều hòa sinh trưởng Atonic và Botrac phun 2 lần: lần 1 khi cây mới nhú nụ, lần 2 khi cây bắt đầu nở hoa, phân vi lượng Botrac phun sau tắt hoa đậu quả 2 tuần giúp tăng tỷ lệ đậu hoa, đậu quả trên cây táo đại.

4. Phòng trừ sâu bệnh

   - Ở thời kỳ sinh trưởng mạnh, táo thường bị bọ xít xanh, rệp dính, sâu cuốn lá, sâu gặm đục quả phá hoại: dùng Sherpa 0,1-0,15% để phun cho táo.

   - Ở thời kỳ vừa vào quả (sau ra hoa rộ 30-40 ngày) quả táo hay bị phấn trắng, sương mai phá hoại:

   Bệnh phấn trắng dùng: Byleton 0,1-0,15%, Anvil 0,1% để phun.

   Bệnh sương mai sử dụng; Boocđô  1%, Ridomill 75WP 0,1-0,25% phun .

5. Đốn táo

   Đại táo sau thu hoạch (giữa tháng 3) thì đốn táo.

   Kỹ thuật đốn táo:

   Táo tuổi 1 cắt cành ghép chính, để chừa lại 20-25cm cành ghép, kết hợp với tạo tán.

   Táo tuổi 2 đốn thấp 40 cm cành ghép, để lại 3 thân chính ở thế chân kiềng.

   Từ tuổi 3 trở đi đốn đuổi cách vết đón cũ năm trước 15- 20 cm (đốn táo có thể điều khiển cho táo chín sớm hơn hoặc muộn hơn, hỏi chi tiết các chuyên gia về táo).

6. Thu hoạch

   Thu đúng lúc quả chín cho chất lượng ngon. Khi quả to đẫy màu vàng sáng là thu được.

   Lưu ý: Trước khi thu hoạch 20 ngày, ngừng phun thuốc BVTV và không bón phân thêm (kể cả qua lá) để đảm bảo chất lượng quả và an toàn thực phẩm./.