Kỹ thuật trồng nho Hạ đen và cách chăm sóc đầy đủ nhất
Nho Hạ đen hay nho đen không hạt hiện là giống nho đang được trồng phổ biến ở nước ta. Cây nho Hạ đen cho quả nho to tròn, màu đen thẫm, khi ăn có vị ngọt đậm nên được rất nhiều người ưa chuộng.
1. Đặc điểm giống nho Hạ đen
Giống Nho Hạ đen thích hợp trồng ở những nơi có khí hậu khô và ấm áp. Cây nho đen không hạt được trồng nhiều ở California, Washington. Giống nho này nhanh chóng được ưa chuộng bởi nhiều ưu điểm vượt trội. Hiện nay, nho Hạ đen đã được nhân giống và trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan. Và Việt Nam hiện đã trồng thành công giống nho này.
Nho Hạ đen là giống nho thích hợp trồng ở các tỉnh miền núi nước ta, đặc biệt là các tỉnh vùng núi miền Bắc. Cây nho Hạ đen cho quả tròn, sai quả. Khi chín, quả nho có màu đen, quả dày thịt, không có hạt, có mùi thơm dịu, độ ngọt cao.
Cây nho Hạ đen rất dễ trồng và cho quả nhanh sau 1 năm trồng. Chất lượng quả lại vượt trội hơn hẳn các giống nho bản địa trên thị trường. Do đó rất được bà con nông dân và người tiêu dùng ưa chuộng.
Đặc biệt, cây nho Hạ đen có tuổi thọ rất cao, cây trên 30 năm mới cỗi nên trồng được rất lâu mới phải thay thế. Chính vì vậy mà nho đen không hạt hiện đã được nhân rộng và trồng phổ biến tại nhiều tỉnh thành ở nước ta. Không những vậy, cây còn có khả năng sinh trưởng tốt, leo giàn nhanh và nhanh cho thu hoạch. Do đó mà cho chất lượng và năng suất kinh tế cao.
2. Lợi ích của nho Hạ đen
Nho Hạ đen không chỉ ngon, cho năng suất kinh tế cao mà còn đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người. Trong quả nho Hạ đen có chứa hàm lượng chất xơ cao và nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Nên nho Hạ đen đang được người tiêu dùng coi là một thần dược giúp làm đẹp và phòng chống một số loại bệnh.
Các chất chống oxy hóa và axit béo trong nho đen không hạt giúp duy trì một làn da luôn tươi trẻ, khỏe mạnh. Không chỉ ăn nho giúp cung cấp vitamin làm đẹp cho da, mà nho còn có thể sử dụng để làm mặt nạ dưỡng da cực kỳ tốt và hiệu quả. Các khoáng chất như B1, B2, B6, các loại vitamin, canxi, đặc biệt là hàm lượng vitamin C và các axit amin dồi dào có tác dụng nâng cao sức đề kháng và rất có lợi cho hệ tiêu hóa.
3. Điều kiện trồng cây nho Hạ đen
3.1. Đất trồng
Cây nho Hạ đen phù hợp trồng và sinh trưởng tốt trên những loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt, đất phù sa ven sông. Độ pH từ 6-7 là phù hợp nhất cho cây sinh trưởng tốt.
3.2. Khí hậu, ánh sáng
Cây nho Hạ đen thích hợp trồng tại những vùng khí hậu khô ráo, ít mưa. Nếu thời kỳ cây ra hoa đậu quả gặp mưa nhiều thì hoa và quả của cây sẽ dễ bị rụng và sâu bệnh tấn công làm hại cây.
Nho Hạ đen cũng giống với những loại nho khác, là loại cây ưa sáng, nên bà con cần trồng nho Hạ đen tại những nơi có nhiều ánh sáng để quá trình phát triển của cây thuận lợi nhất. Do đó, nên nho Hạ đen rất thích hợp trồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Và hiện tại, cây được trồng phổ biến ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ,…
3.3. Thời vụ
Nho Hạ đen có thể trồng được quanh năm. Nhưng thích hợp nhất là trồng vào tháng 2-3 ở miền Bắc và ở miền Nam là vào tháng 4-5.
Nho Hạ đen nếu trồng và chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch từ 2-3 vụ trong 1 năm. Thời gian 1 vụ thường kéo dài khoảng 4 tháng.
3.4. Mái che
Nho Hạ đen ưa thời tiết khô ráo, hạn chế mưa. Do đó, khi trồng bà con cần làm mái che bằng nilon trong suốt để che mưa lớn cho cây, tránh cây bị táp lá, rụng hoa, rụng quả và giúp phòng trừ một số sâu bệnh hại cho cây.
4. Kỹ thuật trồng nho Hạ đen
Nho là một loại cây rất dễ trồng, kỹ thuật trồng nho Hạ đen không khó. Chỉ cần thực hiện theo đúng kỹ thuật thì bất cứ ai cũng có thể trồng thành công giống nho này.
4.1. Chọn giống nho Hạ đen
Để trồng nho Hạ đen cho năng suất và chất lượng tốt nhất để cung cấp ra thị trường, khâu chọn cây giống là vô cùng quan trọng. Bà con cần lưu ý một số điểm sau để mua được cây giống nho đảm bảo:
– Chọn mua cây giống tại những trại giống có nguồn gốc rõ ràng, uy tín và đảm bảo chất lượng.
– Giống nho Hạ đen được nhân giống theo phương pháp giâm cành.
– Cây giống phải cao từ 15-20cm mới đủ tiêu chuẩn.
– Cây khỏe mạnh, có đủ bộ rễ và không bị sâu bệnh.
4.2. Làm đất
Sau khi chọn được nơi trồng và đất trồng thích hợp, bà con tiến hành làm sạch cỏ và cày bừa kỹ đất. Bà con tiến hành làm luống và đào hố trồng cây nho Hạ đen. Kích thước luống rộng khoảng 1,5m, cao khoảng 25-30cm. Khoảng cách trồng là 1mx3m (cây cách cây 1m và hàng cách hàng 3m). Đào hố với kích thước 50x50x40 (chiều dài x rộng x sâu). Đồng thời bà con cần bón vào mỗi hố một lượng phân chuồng ủ hoai và vôi bột để cung cấp dinh dưỡng cho đất và giúp khử trùng, loại bỏ sâu bệnh. Bà con cần làm đất, đào hố và bón phân trước khi trồng cây từ 15-20 ngày.
4.3. Cách trồng nho Hạ đen
Cách trồng nho Hạ đen thích hợp nhất là vào buổi sáng sớm. Bà con chuẩn bị cây giống đã mua và tiến hành cắt bầu đất, rồi đào 1 lỗ chính giữa hố trồng, cho cây giống xuống và lấp đất lại. Cần vun kín đất xung quanh phần gốc cây rồi lèn chặt. Nho là dạng thân dây leo nên bà con cần cắm cọc và làm giàn cho cây bám để phát triển.
5. Cách chăm sóc cây nho Hạ đen
Bên cạnh kỹ thuật trồng cây nho đen, thì cách chăm sóc cây nho là vô cùng quan trọng. Đây là yếu tố quyết định để cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho ra sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng.
5.1. Làm giàn leo cho cây
Cây nho Hạ đen là cây thân leo nên sau khi trồng cây, bà con cần cắm sẵn cọc và làm giàn để cây bám vào để phát triển. Làm giàn cho cây nho có thể sử dụng giàn gỗ hoặc giàn thép gai, giàn sắt. Hình dáng giàn có thể là hình chữ Y hoặc chữ T, các cột giàn có thể làm bằng sắt, bê tông. Giàn có chiều cao khoảng 1,8m sẽ giúp cây phát triển tốt nhất.
Bà con có thể làm giàn có mái che cho cây để hạn chế sự ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết bất lợi như mưa giông lớn. Đồng thời thuận tiện khi chăm sóc và thu hoạch nho.
Cây nho sau khi bám giàn leo và phát triển đến thời điểm nhất định. Khi ngọn cây dài ra, bà con cần dựng sào đứng gần gốc nho lên. Chọn những ngọn cây khỏe mạnh nhất để buộc lên trên sào. Tiến hành cắt bỏ những cành yếu, cành nhỏ ở gần nách lá để giúp cho cây mọc và leo chắc chắn nhất.
5.2. Bón phân cho cây
* Thời kỳ cây con
Cây nho Hạ đen trong thời kỳ cây con kéo dài từ 7-8 tháng. Ở thời kỳ này, bà con bón phân cho cây định kỳ 2 tháng 1 lần. Phân bón có thể dùng phân hữu cơ như phân chuồng ủ hoai với chế phẩm EM gốc với số lượng là 4000kg/ha. Hoặc có thể sử dụng các loại phân hóa học bao gồm Lân (1000kg/ha) + Urê (650kg/ha) + Clorua kali (450kg/ha).
Chế phẩm EM gốc VBio
– Bón lót: Bón 8-10kg phân chuồng ủ hoai kho đào hố trồng và lấp đất trước khi trồng 15-20 ngày.
– Bón thúc lần 1: Bón phân hữu cơ (650kg) hoặc Lân (100kg) +Urê (75kg) +Clorua kali (45kg) khi cây nho mới bén rễ.
– Bón thúc lần 2: Bón phân hữu cơ (650kg) hoặc Lân (100kg) +Urê (75kg) +Clorua kali (45kg) khi trồng nho Hạ đen được 2 tháng.
– Bón thúc lần 3: Bón phân hữu cơ (1.350kg) hoặc Lân (180kg) +Urê (150kg) + Clorua kali (85kg) sau khi trồng cây 4 tháng.
– Bón thúc lần 4: Bón phân hữu cơ (1.350kg) hoặc Lân (200kg) +Urê (150kg) + Clorua kali (85kg) sau khi trồng cây 4 tháng.
Khi bón phân cho cây, bà con bón quanh gốc kết hợp với xới xáo xung quanh phần rễ cây. Thời gian đầu bón cách gốc cây 20cm, các lần tiếp theo bón xa dần. Khi bón cần xới nhẹ, rải đều phân và lấp đất kín phân, bón phân xong cần tưới nước ngay cho cây. Nếu bà con sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt thì có thể hòa tan phân bón qua hệ thống tưới.
* Thời kỳ kinh doanh
Bón phân cho cây nho Hạ đen thời kỳ này, bà con bón phân chuồng bình quân khoảng 20 tấn/ha/vụ (chỉ bón vào vụ Đông Xuân), bón ngay sau khi thu hết trái của vụ trước. Đối với phân hóa học, bà con có thể bón theo công thức NPK Lâm Thao đó là 184-160-200kg/ha/vụ. Nếu bộ rễ cây nho bị tổn thương hoặc cây phát triển kém thì có thể sử dụng thêm phân bón lá cho cây như K-humat, Agrostim,… Vào các giai đoạn trước khi cây trổ hoa, sau khi đậu quả và khi quả lớn có thể sử dụng thêm một số loại phân bón có hàm lượng canxi cao như Canxibore.
5.3. Tưới nước
Nho Hạ đen sau khi trồng cần được thường xuyên bổ sung một lượng nước tưới thích hợp để cây phát triển tốt phần thân lá. Bà con có thể làm hệ thống tưới nước tự động cho giàn nho. Vào mùa mưa cần có thống tiêu nước kịp thời để cây không bị ngập úng. Kết hợp với làm cỏ xới xáo đất xung quanh gốc cây định kỳ để đất thông thoáng tạo điều kiện cho bộ rễ của cây phát triển tốt.
Giai đoạn cây cho quả cũng cần tưới một lượng nước phù hợp. Tuy nhiên khi quả nho sắp đến thời gian thu hoạch thì bà con hạn chế tưới nước cho cây. Không tưới nước cho cây trước khi thu hoạch 15 ngày để cho quả nho đạt độ ngọt tối đa.
Để thuận tiện trong quá trình chăm sóc, bà con có thể làm hệ thống tưới tự động cho giàn nho. Giúp quá trình tưới dễ dàng, đúng giờ và đều đặn.
5.4. Tỉa cành, bao quả
Tỉa cành, tạo tán là một kỹ thuật quan trọng trong phương pháp trồng nho. Cây nho Hạ đen sau khi trồng cần thường xuyên cắt tỉa những cành nhánh, khi cây cao khoảng 1m bà con tiến hành bấm ngọn cho cây.
– Sau khi bấm ngọn, từ thân chính mọc ra các cành cấp 1, bà con lựa chọn 2 cành cấp 1 khỏe rồi uốn về 2 hướng đối nhau và vuông góc với thân chính. Khi các cành cấp 1 này ra được 5-6 lá thì tiếp tục bấm ngọn để tạo các cành cấp 2.
– Trong quá trình cắt tỉa, tạo cành cho cây, bà con cần lưu ý thường xuyên loại bỏ những cành yếu. Mật độ cành cần duy trì 10 cành/m2. Nên tiến hành buộc cành khi cành ra mầm mới và ra hoa. Đồng thời loại bỏ các tua cuốn, chồi nách để hạn chế chiều cao, và tập trung chất dinh dưỡng nuôi hoa và quả.
– Khi hoa bắt đầu nở, bà con tiến hành tỉa hoa. Chỉ để lại 1 chùm hoa trên mỗi cành. Mỗi chùm hoa tỉa các nhánh ngọn và 1-2 nhánh gốc, mỗi chùm chỉ để lại 12-15 nhánh hoa.
– Tiến hành tỉa quả khi quả có đường kính khoảng 0,5-1cm, mỗi chùm chỉ nên để từ 60-70 quả. Việc này nhằm tạo sự thông thoáng để quả phát triển và tạo hình dáng cho chùm quả.
– Tiến hành bao quả khi các chùm nho bắt đầu chuyển màu. Việc bao quả sẽ giúp tránh ánh sáng trực tiếp từ môi trường và ngăn các côn trùng gây hại đến quả nho.
6. Phòng trừ sâu bệnh hại
Cây nho Hạ đen là một loại cây dễ trồng, sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị bệnh. Tuy nhiên trong kỹ thuật trồng nho hạ đen, cây vẫn nhiễm một số loại sâu bệnh hại sau đây:
6.1. Bọ trĩ
Cây nho Hạ đen dễ bị gây hại bởi bọ trĩ, đây là loại sâu hại nguy hiểm nhất trên cây nho. Để phòng trừ loại sâu hại này, bà con có thể xử lý theo các cách sau:
– Khi bọ trĩ gây hại ở mức độ nhẹ chưa ảnh hưởng nhiều, bà con có thể sử dụng các biện pháp an toàn, như sử dụng thuốc sâu sinh học từ tỏi ớt gừng, nuôi thiên địch,…
– Khi bọ trĩ gây hại ở mức độ nặng hơn, bà con sử dụng thuốc để phun như hỗn hợp thuốc Dragon 585EC với dầu khoáng SK Enspray 99EC. Đây là công thức phòng trừ bọ trĩ hiệu quả nhất đã được kiểm nghiệm bởi cán bộ thực vật chuyên ngành Bảo vệ thực vật. Trong thực tế cũng đã được các bà con nông dân đánh giá cao và khuyến khích sử dụng.
6.2. Ong, ruồi
Trong thời kỳ nho cho quả, quả chuẩn bị chín rất dễ bị tấn công bởi các loại côn trùng như ruồi, ong. Các loại côn trùng này gây hại bằng cách chích vào quả nho, làm giảm chất lượng và làm hỏng quả. Để phòng trừ các côn trùng này tấn công, bà con nên bọc quả khi nho chuẩn bị chín, và dùng bẫy đèn.
6.3. Bệnh mốc sương
Khi cây nho bị mắc bệnh này, trên lá của cây ở mặt trên sẽ bắt đầu xuất hiện những vệt màu xanh – vàng, sau chuyển sang màu nâu và mọc lên lớp mốc trắng. Ở mặt dưới của lá lúc này tơ nấm phát triển thành một mảng mỏng, có màu trắng, lông tơ, mốc sương.
Bệnh làm cho lá bị cháy khô từng mảng, hoa bị thối và quả phát triển chậm, bị rụng hoặc chín ép. Khi cây nho Hạ đen bị bệnh này, bà con sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây như: Amtech 100EW, Kozuma 3SL, Xanized 72WP.
6.4. Bệnh phấn trắng
Nho Hạ đen nhiễm bệnh phấn trắng sẽ có những biểu hiện như: cành và lá xuất hiện các đốm mốc màu xám tro, các bào tử nấm có vết màu trắng hơi xám xuất hiện rõ trên quả. Khi tiến hành chùi lớp bào tử nấm bên ngoài đi sẽ lộ rõ ở phía trong có vết bệnh màu xám tro.
Bệnh phấn trắng ở cây nho Hạ đen đặc biệt nghiêm trọng trong giai đoạn đậu quả đến khi quả chín. Chúng làm quả nho bị nứt, hỏng phải tỉa bỏ, dẫn đến năng suất, chất lượng bị giảm.
Để phòng và điều trị bệnh phấn trắng, bà con có thể sử dụng một số loại thuốc như: Topsin M 70% WP, Anvil 5 SC Tilt 250 EC, Sumi-eight 12,5%, Bayfidan 250 EC hoặc sử dụng nước lưu huỳnh và vôi 0,05% – 0,1%.
7. Thu hoạch
Nếu bà con tuân thủ đúng Kỹ thuật trồng nho đen và chăm sóc đúng hướng dẫn kỹ thuật thì sau 15 tháng trồng cây sẽ cho thu hoạch. Quả nho Hạ đen khi chín cuống chùm hóa gỗ, vỏ quả chuyển sang màu đen thẫm và có phấn trắng. Khi ăn có mùi thơm, vị ngọt.
Bà con thu hoạch nho khi các quả nho chín đều màu, quả to và mọng nước. Mỗi chùm nho có trọng lượng trung bình khoảng 500g. Bà con nên thu hoạch nho vào sáng sớm hoặc chiều mát. Cắt cuống chùm nho và xếp nhẹ nhàng trong hộp, tránh làm dập nát. Bảo quản nho tại nơi râm mát hoặc trong phòng lạnh với nhiệt độ từ 6-9 độ C. Nếu bảo quản nho ngoài tự nhiên thì thời gian sử dụng thường từ 10-15 ngày.
Trên đây là những thông tin chia sẻ của chúng tôi về Kỹ thuật trồng nho Hạ đen và cách chăm sóc đầy đủ nhất dành cho bà con. Hy vọng với những thông tin trên, bà con có thêm nhiều kinh nghiệm và hướng đi mới, phù hợp để trồng thành công giống nho Hạ đen này. Từ đó có thể giúp phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả nhất.