DỪA DỨA

Kỹ thuật trồng dừa dứa

Dừa là loại quả được nhiều người yêu thích bởi nước dừa vừa ngọt vừa mát. Trong các giống dừa thì trồng dừa dứa đem lại giá trị kinh tế cao nhất bởi ngoài những đặc tính thông thường thì chúng còn có mùi thơm dễ chịu. Hãy cùng tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc để có những cây dừa dứa sai quả nhé!

Dừa dứa hay còn có tên gọi khác là dừa xiêm dứa, dừa thơm Thái Lan hay dừa xiêm thơm. Chúng có tên tiếng Anh là Aromatic Coconut. Đây là giống dừa được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Trung cũng như vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và chúng đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng vùng ven biển.

Về hình dáng bên ngoài chúng khá giống với dừa xiêm xanh. Tuy nhiên, khi thưởng thức bạn sẽ thấy chúng thơm mùi dứa. Đặc biệt, vào mùa nắng mùi thơm càng đậm. Ngay cả rễ và lá chúng cũng có mùi thơm. Đây là giống dừa thích hợp với loại đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, đất trung tính (pH từ 5 trở lên). Dừa dứa là giống cây lùn, dễ thu hái. Sau khi trồng khoảng 3 năm cây mới cho trái. Mỗi năm chúng cho tầm 15 buồng và gần 220 quả nếu như được chăm sóc tốt.

1. Cách chọn giống

Vì đến 3 năm cây mới cho trái và thời gian thu hoạch kéo dài đến hơn 20 năm nên phải kỹ khâu chọn giống. Bước này mà sai lầm thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.

Dừa dứa giống có chiều cao từ 50cm trở lên, có 4 – 5 tàu lá, đang phát triển khỏe mạnh, không sâu bệnh. Đặc biệt là chúng được trồng riêng biệt với những giống khác vì đây là loại dừa dễ bị lai tạp.

 

Giống dừa dứa

2. Chọn thời điểm trồng

Thời điểm trồng phụ thuộc vào chế độ mưa ở mỗi vùng. Nên trồng dừa dứa ngay sau cơn mưa đầu mùa vì đây là lúc cây con mau bén rễ nhất.

Tùy đặc điểm vùng miền mà thời điểm trồng có thể rơi vào khoảng tháng 5 – 7 dương lịch. Nếu chỉ trồng vài cây cho gia đình thì có thể trồng vào bất kỳ lúc nào và chủ động tưới nước đầy đủ cho cây.

3. Chuẩn bị đất

Trước khi trồng bạn nên đào hố với kích thước 60x60x60cm. Sau đó trộn đất (đã loại bỏ đất sét) ở mỗi hố với 10 – 15kg phân chuồng ủ hoai rồi cho hỗn hợp đã trộn vào hố. Mô đất thường cao hơn 10 – 20cm so với mặt đất.

Để giữ khoảng cách tiêu chuẩn cho dừa xòe tán lá, bạn nên đào mỗi hố cách nhau 6 – 7m.

4. Tiến hành trồng dừa dứa

- Bước 1: Ngay giữa mô đất đã chuẩn bị, đào tiếp 1 hố nhỏ với độ sâu 40cm, đường kính bằng với đường kính bầu cây con.

- Bước 2: Rắc 0,5 kg phân lân vào hố vừa đào.

- Bước 3: Tháo bầu cây rồi nhẹ nhàng đặt cây con vào hố.

- Bước 4: Lấp đất lại và ém nhẹ để cố định cây có thể cắm cọc để tránh cây bị lay động trước gió làm lỏng gốc hay đứt rễ.

- Bước 5: Dùng rơm rạ phủ xung quanh gốc cây sau khi hoàn thành việc trồng dừa dứa để giữ ẩm cho đất và tưới nước cấp ẩm.

5. Kỹ thuật chăm sóc cây dừa dứa

a. Tưới nước

Vì là cây ưa nước nên hãy trồng vào mùa mưa. Nếu trồng ít và không trồng dừa dứa đúng vụ nên tưới nước mỗi ngày cho cây cho đến khi chúng khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Khi đến mùa nắng cần cung cấp đủ nước để cây giữ được nhịp sinh trưởng. Đặc biệt, khi cây cho trái là lúc cần nước nhất.

b. Xới xáo và làm cỏ

Mỗi năm nên xới xáo quanh gốc 2 – 3 lần để đất thông thoáng, rễ phát triển mạnh. Khi xới xáo bạn nên kết hợp với việc làm cỏ dại.

Ngoài ra, bạn cần xới và dẫy cỏ sạch sẽ quanh khu vực trồng để cây sinh trưởng tốt.

c. Bón phân, cắt tỉa

Nên tỉa bỏ những tán cây khô héo, sâu bệnh để cây thông thoáng, tạo điều kiện quang hợp tốt.

Mỗi năm dành thời gian bón phân cho cây, mỗi gốc nên bón từ 30 – 50kg phân hữu cơ ủ hoai.

Thời điểm bón thường chia làm 2 lần (đầu và gần cuối mùa mưa) đối với cây dừa dứa 1 – 3 năm tuổi. Nghĩa là tầm khoảng tháng 5 – 6 và tháng 10 dương lịch.

Đối với cây 3 – 5 tuổi, mỗi năm bạn bón 3 – 4 đợt phân vào đầu mùa mưa, gần cuối mùa mưa và sau khi dứt mưa 1 tháng.

Cách bón phân khi trồng dừa dứa như sau:

- Trộn đều phân cho tơi rồi cuốc quanh gốc theo hình chiếu tán cây. Lỗ cách với gốc một khoảng từ 0,5 – 1,2m.

- Bón đều phân vào lỗ rồi lấp đất lại.

- Những đợt phân sau bón càng cách xa gốc.

d. Phòng trừ sâu bệnh khi trồng dừa dứa

Những biện pháp phòng trừ sâu bệnh tấn công cây dừa dứa như sau:

- Phun thuốc trừ bọ cánh cứng hại dừa hàng tháng trong 2 năm đầu để hạn chế sự phá hại của chúng. Bạn có thể dùng Vitako hay Regent.

- Vệ sinh thân dừa, xung quanh các tán đặc biệt là nơi chân tán để tránh chuột, kiến vương và đuông dừa tấn công.

6. Thu hoạch

Trồng dừa dứa được 3 năm cây sẽ cho trái. Bạn nên thu hoạch trái khi chúng được 6 – 7 tháng. Đây là lúc nước và cơm dừa có vị ngọt và thơm nhất.

Nếu bạn tự để giống thì có thể nuôi quả dừa trên cây từ 11 – 12 tháng để chín trên cây, vỏ dừa chuyển sang màu nâu.

Nên chọn thời điểm thu hoạch thích hợp để quả chất lượng nhất.

Trên đây là tất cả những thông tin cần biết trước khi tiến hành trồng dừa dứa. Nếu nhà có đất vườn phù hợp điều kiện sinh trưởng của cây có thể lựa chọn chúng để phát triển kinh tế. Ngoài ra, khi trồng dừa, có thể trồng xen canh những loại cây hoa màu khác cách gốc dừa 2m. Tùy vào điều kiện mà bạn có sự lựa chọn phù hợp.